Diễn giả là gì? Diễn giả là những người có năng lực chuyên môn ở một lĩnh vực nào đó, có độ nổi tiếng và tầm ảnh hưởng trong một cộng đồng nhất định.
Không phải ai cũng có thể trở thành diễn giả nhưng diễn giả lại có thể là bất cứ ai trong chúng ta. Diễn giả không giới hạn là một người nổi tiếng, một chính trị gia hay một giáo sư, tiến sĩ. Diễn giả có thể chỉ là một con người bình thường như bạn và tôi. Không dễ để định nghĩa chính xác khái niệm diễn giả là gì và công việc của họ như thế nào. Nhưng tin tôi đi, càng tìm hiểu có lẽ bạn sẽ càng bị hấp dẫn bởi công việc này đấy!
Diễn giả là gì?
Nếu đã từng đọc và yêu thích cuốn sách “Đắc nhân tâm” thì hẳn bạn cũng biết Dale Carnegie – cha đẻ của cuốn sách này không chỉ là một nhà văn mà còn là một diễn giả nổi tiếng, thường xuyên đi nhiều nơi trên thế giới để thuyết giảng về phương pháp sống hạnh phúc và thành công.
Từ câu chuyện về Dale Carnegie chúng ta có thể định nghĩa rằng, diễn giả (tiếng Anh là Public Speaker hay Motivational Speaker) là những người có năng lực chuyên môn ở một lĩnh vực nào đó, có độ nổi tiếng và tầm ảnh hưởng trong một cộng đồng nhất định.
Họ thường tổ chức các buổi diễn thuyết, trò chuyện trước công chúng và sử dụng khả năng diễn đạt của mình để truyền tải một thông điệp, tư tưởng nào đó, tạo nên những sự thay đổi về cảm xúc và suy nghĩ trong lòng người nghe. Những cảm xúc này không được tạo dựng từ những giáo điều sáo rỗng mà xuất phát từ những chiêm nghiệm và trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống của bản thân người diễn giả.
“Diễn giả là người truyền đạt thông tin đến khán giả trực tiếp. Loại thông tin được truyền đạt được cấu trúc có chủ ý để thông báo, thuyết phục hoặc mang tính giải trí”.
Công việc của một diễn giả là gì?
– Xác định chủ đề diễn thuyết và họp với đơn vị tổ chức sự kiện (trong trường hợp được thuê để diễn thuyết về một chủ đề nào đó) để thảo luận về chủ đề phát biểu.
– Lập dàn ý sơ bộ để xác định cấu trúc của bài diễn thuyết.
– Tiến hành các nghiên cứu để nắm những thông tin cần thiết dựa trên dàn ý đã có.
– Viết kịch bản bài phát biểu.
– Diễn tập và điều chỉnh những điểm thiếu sót để hoàn thiện bài phát biểu.
– Tiến hành kiểm tra âm thanh và thiết bị cần thiết trên sân khấu trước khi bắt đầu buổi diễn thuyết.
– Trình bày bài diễn thuyết trước khán thính giả.
– Trả lời các câu hỏi và tương tác với khán giả.
– Hỗ trợ một số hoạt động truyền thông trước, trong và sau sự kiện (nếu có).
Tố chất cần có để trở thành một diễn giả là gì?
Khả năng giao tiếp, ăn nói có duyên, phản ứng nhanh nhạy thôi chưa đủ để giúp bạn trở thành một diễn giả tài ba. Muốn thành công ở lĩnh vực này bạn cần hội tụ một số tố chất khắt khe hơn nữa. Cụ thể như sau:
Có kiến thức sâu rộng hoặc có câu chuyện truyền cảm hứng
Diễn giả là một công việc vô cùng đặc thù, nó không yêu cầu bạn phải có bằng cấp chuyên môn, học hàm, học vị hơn người nhưng lại đòi hỏi ở bạn kho tàng kiến thức sâu rộng trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải có những trải nghiệm sống cực kỳ sâu sắc để có thể truyền cảm hứng và động lực cho người nghe. Đó nên là những câu chuyện của chính bản thân bạn chứ không phải vay mượn từ người khác bởi vì chỉ có những điều chân thực mới có thể chạm đến trái tim người nghe.
Đơn cử như Nick Vujicic – diễn giả người Úc, nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực truyền cảm hứng về động lực sống và giá trị con người. Ngay từ khi sinh ra Nick đã mắc phải hội chứng tetra-amelia gây ra sự thiếu hụt tứ chi. Từ thuở ấu thơ, ông phải tranh đấu cả tinh thần và thể xác để thoát khỏi những tuyệt vọng cùng cực và chiến thắng những khiếm khuyết của bản thân. Nick đã đi khắp nơi trên thế giới để truyền động lực sống cho mọi người bằng những chia sẻ chân thực được đúc rút từ những gì ông từng trải qua, từ cách ông vượt lên số phận để có được một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa.
Biết cách dẫn dắt người nghe đắm chìm vào câu chuyện của mình
Diễn giả là gì? Nói nôm na thì đó chính là những người truyền cảm hứng. Vì vậy, bạn nhất định phải ghi được dấu ấn cá nhân riêng biệt thông qua cách truyền tải lôi cuốn để dẫn dắt người nghe chìm đắm vào câu chuyện của bạn, giúp họ tìm được điểm chung ở câu chuyện đó, từ đó chạm đến những xúc cảm sâu kín nhất trong họ. Nếu bạn không biết cách dìu dắt, pha trò, khiến cho buổi diễn thuyết của mình trở nên hấp dẫn hơn thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đã trở thành một diễn giả thất bại.
Khả năng giao tiếp và kết nối với mọi người
Diễn giả là người nói trước đám đông và truyền đi những thông điệp ý nghĩa đến người nghe. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bạn đang độc thoại. Vì lẽ đó, khả năng giao tiếp, hoạt náo đám đông và khuyến khích người nghe đặt câu hỏi là tố chất cần thiết giúp bạn kết nối với khán giả và tạo nên bầu không khí sôi nổi hơn cho buổi diễn thuyết.
Giọng nói truyền cảm và phong thái diễn thuyết lôi cuốn
Bên cạnh câu chuyện mà bạn đem đến cho người nghe thì một giọng nói truyền cảm, có nhịp điệu thay đổi linh hoạt theo từng cung bậc cảm xúc cùng phong thái diễn thuyết lôi cuốn, nói lâu nhưng không dông dài cũng chính là một trong những yếu tố giúp câu chuyện của bạn trở nên thu hút hơn và dễ chạm đến trái tim người nghe hơn.
Sự tự tin tuyệt đối
Để trở thành một diễn giả tài ba, bạn không thể thiếu đi sự tự tin. Không ai có thể diễn thuyết trước hàng chục, hàng trăm người và đem đến cho thế giới những câu chuyện truyền cảm hứng mà không có sự tự tin. Chỉ có sự tự tin mới giúp bạn làm chủ được cảm xúc và truyền năng lượng tích cực đến người nghe.
Sự sáng tạo
Sáng tạo để làm gì? Để có thể biến những chủ đề nhạt nhẽo, khô khan mà ngày thường chẳng mấy ai quan tâm trở những điều thú vị, hấp dẫn và đặc biệt là để truyền đạt những điều thú vị đó bằng một phương pháp đơn thuần nhất – những lời nói. Cũng chính sự sáng tạo sẽ giúp buổi diễn thuyết của bạn trở nên khác biệt so với những buổi diễn thuyết khác và những diễn giả khác.
Khả năng cô đọng
Ngay cả khi bạn là một trong những diễn giả thú vị và hấp dẫn nhất trước công chúng, điều quan trọng là phải giữ cho bài thuyết trình của bạn ngắn gọn và đi vào trọng tâm. Khoảng thời gian chú ý của khán giả của bạn không dài. Bạn phải thu hút sự chú ý của họ nhanh chóng. Nếu bản trình bày của bạn dài hơn hai mươi phút, bạn có thể cần xem xét chia bản trình bày thành các phân đoạn nhỏ hơn. Mỗi phân đoạn có thể khác một chút hoặc liên quan đến sự tương tác của khán giả để bạn giữ chân họ.
Khả năng kể một câu chuyện
Một bài thuyết trình sẽ hiệu quả và hấp dẫn hơn khi nó không giống như một bài thuyết trình. Biết cách kể câu chuyện của bạn với khán giả. Cung cấp cho họ bối cảnh cho tất cả thông tin bạn đang chia sẻ.
Thay vì chỉ đơn giản là chia sẻ các sự kiện và thông tin chính thức, hãy chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện của bạn đã dẫn bạn đến vị trí của mình. Nếu đó không phải là câu chuyện của riêng bạn, hãy chia sẻ những câu chuyện hoặc trải nghiệm khác từ lịch sử hoặc từ những người mà bạn biết. Câu chuyện giúp mọi người lưu giữ nhiều thông tin hơn vì họ tương tác nhiều hơn với phần trình bày của bạn.
Nghề diễn giả ở Việt Nam có thực sự tiềm năng?
Sau khi đi tìm hiểu diễn giả nghĩa diễn giả là gì cùng các yêu cầu khắt khe, bạn có thể thắc mắc nghề diễn giả tại Việt Nam có thực sự tiềm năng. Trước đây, nghề diễn giả có thể xa lạ với rất nhiều người nhưng gần đây nghề này ngày càng phổ biến hơn. Hiện nay có rất nhiều diễn giả nổi tiếng, là những cái tên quen thuộc mỗi khi nhắc đến nghề diễn thuyết và chắc hẳn rằng thu nhập của họ không hề thấp.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin diễn giả là gì và những tố chất cần có để trở thành một diễn giả tài ba. Nếu bạn mong muốn trở thành một diễn giả, ngay từ bây giờ, hãy sống có đam mê, sống hết mình, tận dụng mọi cơ hội để trưởng thành một cách vững vàng và đừng quên bồi đắp, rèn luyện những kỹ năng, tố chất cần để không ngừng hoàn thiện bản thân nhé!