Nếu bạn mong muốn đảm đương tốt trách nhiệm huấn luyện đào tạo đội ngũ trong tổ chức, chính bạn phải cam kết mạnh mẽ với quá trình học hỏi phấn đấu không ngừng. Những kiến thức nền tảng về các tiêu chí đánh giá một nhà đào tạo xuất sắc sau đây sẽ giúp bạn tự đánh giá tiềm năng và năng lực của chính mình trong lĩnh vực “ươm mầm tài năng” này.
Hết sức kiên nhẫn
Một người đào tạo chuyên nghiệp đòi hỏi phải hết sức kiên nhẫn. Khi người học tiếp xúc với những khái niệm mới hoặc đối mặt với các thử thách mới, họ thường có xu hướng nản lòng vì cảm thấy thiếu tự tin trước đòi hỏi quá lớn. Đây chính là lúc người giảng viên cần hỗ trợ người học điều chỉnh lại nhận thức, trao cho họ một tầm nhìn rộng mở về mục tiêu cuối cùng cũng như giúp họ khám phá tiềm năng ẩn giấu bên trong mình. Chính tư duy và tầm nhìn “vượt khỏi vùng an toàn” sẽ là động lực tạo sức bật mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của họ.
Trình bày đơn giản, rõ ràng
Khi phải truyền tải một khái niệm hoàn toàn mới cho các học viên, một người giảng viên kém chuyên nghiệp thường có xu hướng “dội bom” ồ ạt với một loạt những định nghĩa, kiến thức chi tiết, cụ thể. Trong khi đó một giảng viên gạo cội sẽ biết cách chắt lọc và cung cấp những điểm chính yếu trước; sau khi học viên đã “nghiệm” và “thấm” những nền tảng cơ bản này thì giảng viên mới tiến tới bổ sung các chi tiết. Theo khoa học nghiên cứu, thông thường phải qua 3 bước giới thiệu và nhấn mạnh về một kiến thức mới thì học viên mới có thể lưu giữ lại thông tin; chẳng hạn đầu tiên bạn giới thiệu những thông tin cơ bản, sau đó thảo luận với những trường hợp điển hình trong thực tế và cuối cùng giao bài tập thực hành cho học viên về kiến thức mới đó.
Khuyến khích nuôi dưỡng tinh thần học tập chủ động
Giảng viên cung cấp thông tin cho người học, nhưng để người học thực sự lĩnh hội được kiến thức thì giảng viên cần hỗ trợ, khuyến khích tinh thần chủ động học hỏi để người học tự đúc kết thông qua nghiên cứu và thực hành. Việc tự trải nghiệm thông qua các cuộc thảo luận, các câu hỏi, trò chơi, trường hợp điển hình, giả lập, động não,… sẽ khuyến khích người đọc thực sự tham gia và chủ động nắm lấy “bánh lái” trong hành trình học hỏi của mình.
Sáng tạo trong phương thức tiếp cận
Cuộc sống vốn dĩ rất phong phú và chính sự đa dạng này khiến cho việc học tập trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Một nhà đào tạo tài năng sẽ ý thức được khi nào cần “lùi lại” và khi nào cần “bước vào” để can thiệp và điều chỉnh. Khi cần thiết, giảng viên sẽ đưa ra những thử thách và đặt người học vào các trải nghiệm để lật lại những định kiến vốn bị “đóng đinh” sẵn và giúp họ mở mang nhận thức. Người học sẽ không ngừng chạm trán với những thử thách mới được giảng viên thiết kế phù hợp với khả năng và thiên hướng của từng cá nhân.
Luôn khuyến khích và tôn trọng những quan điểm khác biệt
Một nhà đào tạo chuyên nghiệp luôn giữ thế trung lập và khuyến khích những cuộc tranh luận, những ý kiến trái chiều nhằm khám phá ưu nhược điểm trong từng ý kiến. Trong môi trường đào tạo không bao giờ cho phép nhen nhóm những mầm mống của sự phân biệt đối xử, ghét bỏ hay tẩy chay. Với tư cách một nhà đào tạo chân chính, bạn luôn phải thể hiện quan điểm không khoan nhượng với những hành vi phi đạo đức, nhưng đồng thời luôn phải khuyến khích đón nhận các quan điểm khác biệt để giúp người học cởi mở tiếp nhận sự đa dạng văn hoá.
Cân bằng giữa bức tranh tổng thể và chi tiết
Những nhà đào tạo chuyên nghiệp luôn chú ý liên hệ từng chi tiết với bối cảnh rộng lớn hơn để người học tiếp cận gốc rễ sâu xa của vấn đề, từ đó phát huy tinh thần chủ động sáng tạo trong việc thực hiện vai trò của từng cá nhân. Nếu người học không có hình dung toàn cảnh về vấn đề, họ sẽ dễ cảm thấy lúng túng vì mọi thứ có vẻ tản mác và rời rạc.
Khuyến khích tinh thần học tập
Vừa là cổ động viên, vừa là huấn luyện viên – một người đào tạo chuyên nghiệp cần biết cách động viên và hỗ trợ để khơi dậy tinh thần học tập nơi người học. Một giảng viên tận tâm sẽ luôn cân bằng giữa việc kiên quyết buộc người học phải tự mình mày mò khám phá câu trả lời với việc định hướng “bẻ lái” cũng như động viên kịp thời để đồng hành cùng người học trong suốt hành trình của họ. Những nhà đào tạo kém chuyên nghiệp thường nôn nóng đưa sẵn câu trả lời và xắn tay lao vào làm thay cho người học, trong khi những nhà đào tạo thực thụ luôn biết cách kích thích sự tò mò, sáng tạo và khơi dậy sự hăm hở khám phá nơi học viên.
Thiết lập môi trường thân thiện, an toàn và cởi mở
Người học cần cảm nhận bầu không khí “thiện cảm, an toàn” trong môi trường học tập của mình. Ở nơi đó họ được thoải mái bộc lộ ý kiến cá nhân và đưa ra các câu hỏi. Ngược lại, nếu “đánh hơi” thấy sự phòng thủ, dè chừng hoặc phán xét trong môi trường học tập thì người học sẽ chẳng lĩnh hội được gì và thường bỏ cuộc sớm.
Luôn chuẩn bị chu đáo
Một giảng viên chu đáo sẽ luôn tạo thiện cảm và sự kính phục nơi người học ngay từ những ấn tượng đầu tiên. Vào lớp đúng giờ, bài giảng rõ ràng, mạch lạc, nội dung cung cấp thiết thực và hữu dụng đối với người học,… những biểu hiện của một sự chuẩn bị chu đáo luôn khiến người đối diện kính trọng tinh thần trách nhiệm của bạn.
Tóm lại, khi giảng viên nỗ lực để đầu tư và phát triển kỹ năng giảng dạy của mình thì người học tất yếu sẽ cảm thấy hứng thú và tin tưởng trong hành trình học hỏi. Quá trình đào tạo và tiếp nhận kiến thức sẽ thu được hiệu quả tối ưu trong môi trường học tập lý tưởng được nuôi dưỡng bởi đội ngũ đào tạo hội đủ những phẩm chất như trên. Sở hữu nguồn lực các giảng viên nội bộ tận tâm và chuyên nghiệp như vậy sẽ tạo động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp khai thác sức mạnh nhân lực tiềm tàng cho những bước phát triển trong tương lai.