Hiện nay, ở nước ta nghề diễn thuyết đang có những bước đi mới, đem lại cho diễn giả khá nhiều cơ hội để chứng minh bản thân mình trong công việc. Những diễn giả tiêu biểu như Quách Tuấn Khanh, Nguyễn Sơn Lâm, Thái Hoàng Anh Sơn, Phan Quốc Việt …là những người có tầm ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nghề diễn thuyết là 1 nghề tiềm năng chưa được khai phá mạnh ở Việt Nam. Sự kiện Nick đến Việt Nam đã thu hút đông đảo sự chú ý của công chúng.
1. Nghề diễn giả là gì?
Lawrence Olivier đã nói rằng “Muốn trở thành một diễn giả tài ba, bạn cần có sức khỏe của một con trâu và sự dẻo dai của một con ngựa”. Người diễn giả đôi khi phải dậy sớm, thức khuya, rồi thỉnh thoảng tỉnh dậy lúc nửa đêm – để viết, để đảm bảo không có sai sót và để khiến tìm cách tiếp cận thành công các đối tượng khán giả khác nhau.
Diễn giả là người diễn thuyết trước công chúng, là “nghệ nhân” nói chuyện với một nhóm người theo một phương cách được chuẩn bị kỹ, nhằm cung cấp thông tin, gây ảnh hưởng hoặc gây cười cho thính giả.
Mục tiêu của nghệ thuật diễn thuyết có thể kể từ việc chuyển tải thông tin đến hô hào lôi kéo công chúng đi đến hành động hoặc chỉ đơn giản là kể một câu chuyện. Một nhà hùng biện tài năng không chỉ cung cấp thông tin cho người nghe mà còn có thể làm thay đổi cảm xúc của họ.
Diễn giả còn là người chia sẻ những hiểu biết của mình thông qua những kinh nghiệm của chính mình. Vì những điều diễn giả nói thường là về cuộc sống, con người, tâm lý và xã hội nói chung, đôi khi rất rộng lớn và phức tạp, cho nên việc đúng hay sai tùy thuộc vào thế giới quan của mỗi người nghe.
Diễn giả phải có hiểu biết sâu sắc về chủ đề mà mình định thuyết trình để bài nói có thể thuyết phục được người nghe. Thông thường, để có kiến thức cũng như những kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc sống, người diễn giả thường hay làm một số nghề khác trước khi làm diễn giả.
2. Nghề diễn giả làm gì?
Mỗi diễn giả lại có phong cách làm việc khác nhau từ đó tạo nên nét độc đáo cho các bài thuyết trình của mình nhưng nhìn chung, công việc của các diễn giả thường bao gồm:
- Chuẩn bị bài thuyết trình, xác định được đối tượng thuyết trình, mục tiêu thuyết trình, thuyết trình về cái gì, thuyết trình như thế nào, phong cách thuyết trình…
- Tìm tài liệu, thông tin cho bài thuyết trình.
- Trau dồi kiến thức về lĩnh vực mà mình chuẩn bị thuyết trình.
- Tham khảo ý kiến của chuyên gia hoặc bạn bè… về luận điểm trong bài.
- Tham gia nói chuyện tại các buổi diễn thuyết ở các trường Đại học, các hội thảo, chương trình truyền hình…
- Tiếp nhận chọn lọc ý kiến đóng góp của người nghe.
- Trả lời câu hỏi thắc mắc của người nghe.
- Làm việc với các nhà xuất bản, các công ty đại diện để lên kế hoạch, sắp xếp các buổi thuyết trình.
3. Nghề diễn giả cần có những tố chất gì?
– Bạn phải là người có kiến thức, học hỏi và thực hành mọi lúc, mọi nơi. Kiến thức là những cái mà bạn tích luỹ từ khi còn ngồi ở giảng đường đến những kinh nghiệm thu lượm từ thực tế. Đây là điều rất quan trọng bởi vì chỉ khi có kiến thức thì bạn mới có thể thể hiện được sự am hiểu của mình ra cho mọi người, mới chia sẻ những điều hay cho thính giả và điều này đảm bảo cho sự thành công của bạn. Chúng ta hãy học thật nhiều, tích luỹ thật nhiều các kiến thức về mọi mặt của cuộc sống, hãy rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc các cách ứng xử theo chuẩn mực ngay từ bây giờ. Thành công trong cuộc sống hay trong sự nghiệp cũng đều cần tới nó.
– Hãy luôn trau dồi khả năng giao tiếp, thuyết trình và tận dụng những năng khiếu “bẩm sinh”. Giọng nói trầm ấm hay trong trẻo có sức truyền cảm chính lớn luôn là một thế mạnh cho bạn. Giọng nói có một hấp lực rất lớn, giúp bạn có thể trình bày vấn đề rõ ràng và lôi cuốn. Bên cạnh đó, ngôn ngữ của thân thể thể hiện qua các cử chỉ, điệu bộ cũng góp phần không kém vào việc nâng cao tinh cuốn hút.
4. Diễn giả làm việc ở đâu?
Nơi làm việc của diễn giả là đứng trên sân khấu, trên các bục giảng (thường là trong các hội trường lớn) dưới ánh nhìn của hàng trăm cho đến hàng nghìn người để chia sẻ và truyền cảm hứng cho mọi người.
Thời gian làm việc của các diễn giả không có định, phụ thuộc vào lịch trình của buổi diễn thuyết. Với những diễn giả giỏi, những buổi thuyết trình của họ không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà còn có thể diễn thuyết ở nhiều nước khác trên thế giới.
Các diễn giả có khả năng chuyên môn đều được trả lệ phí khi diễn thuyết. Thuộc giới này có thể là những chính trị gia đã rời chính trường, các ngôi sao thể thao, và những nhân vật công chúng khác. Trong một số trường hợp, khoản tiền trả cho họ có thể rất cao. Một thống kê nhỏ cho thấy, chỉ trong vòng 5 tháng từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2014, vợ chồng nhà Clinton đã bỏ túi 25 triệu USD thông qua 104 bài diễn thuyết.
5. Học nghề diễn giả ở đâu?
Ở Việt Nam hiện nay, có một số công ty đào tạo học viên trở thành diễn giả như TGM, Ask… Bạn có thể tôi luyện kỹ năng diễn thuyết bằng cách gia nhập các câu lạc bộ ở nước ngoài như Rostrum, Toastmasters International hay International Training in Commumication, ở đó thành viên có cơ hội thực hành để phát triển kĩ năng nói chuyện trước đám đông.
Những người muốn theo học nghề diễn giả có thể tham gia một số khóa học về kỹ năng mềm như kĩ năng thuyết trình, kỹ năng ứng xử trước đám đông … để cải thiện kĩ năng của mình. Ngoài ra bạn cũng có thể tích lũy kiến thức thông qua việc đọc sách hoặc xem các video trên Internet. tuy nhiên nghề diễn giả coi trọng yếu tố tự học.
Một số khóa học về kĩ năng có uy tín và chất lượng như các khóa học của TGM. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm đọc một số cuốn sách như “Say it like Obama” của Shel Leanne, “The secrets of good communication” của Larry King hoặc tham khảo các video nói về kỹ năng mềm của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương…